Việc kết hôn là dịp trọng đại và cực kỳ thiêng liêng trong một đời người. Với phong tục cưới hỏi truyền thống của người Á Đông, đặc biệt là người Việt Nam ta, lễ cưới cần được tổ chức theo các nghi thức, thể hiện sự tôn trọng, gìn giữ và phát huy phong tục từ thời xưa. Theo các nghi thức này, có những điều bắt buộc và những điều kiêng kị mà cả cô dâu, chú rể và quan viên hai họ cần chú ý.

Lễ dạm ngõ (chạm ngõ) và ý nghĩa của lễ dạm ngõ
Nghi thức quan trọng đầu tiên trong phong tục cưới hỏi truyền thống người Việt Nam là lễ dạm ngõ, hay còn gọi là lễ chạm ngõ. Đây là dịp để cô dâu và chú rể gắn kết hai gia đình, để hai gia đình tìm hiểu, gắn kết và gần gũi nhau hơn trước khi đôi trai gái đi đến hôn nhân.
Trong ngày lễ này, hai bên gia đình sẽ gặp mặt nhau, chào hỏi và bàn bạc về các mốc thời gian của lễ cưới. Thông thường, lễ dạm ngõ không cần đến các lễ vật như đám hỏi, hai gia đình chỉ cần chuẩn bị cơi trầu cau, hoa quả tươi hay nước chè tươi để cùng nhau trò chuyện.
Phong tục cưới hỏi truyền thống: Lễ ăn hỏi (đám hỏi)
Đám hỏi là một nghi thức không thể thiếu trong phong tục cưới hỏi truyền thống, đánh dấu ngày hai gia đình chính thức công nhận đôi vợ chồng sắp cưới. Vào ngày này, chú rể và nhà trai sẽ chuẩn bị các lễ vật được đựng trong các mâm sơn son thếp vàng, thường gọi là tráp. Các lễ vật này được chú rể dâng lên gia tiên và cha mẹ, gia đình cô dâu như một cách thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với công sinh thành, dưỡng dục của bề trên.
Khi nhà gái nhận các lễ vật cũng là lúc hai gia đình chính thức công nhận đôi uyên ương là cặp vợ chồng sắp cưới. Lúc này hai gia đình sẽ ngồi lại với nhau để bàn bạc về ngày tổ chức lễ cưới và đãi tiệc quan khách.

Theo truyền thống và phong tục cưới hỏi truyền thống từ xưa của người Việt Nam, các lễ vật đựng trong mâm sơn son thếp vàng của ngày ăn hỏi thường bao gồm: trầu cau, lễ đen (phong bì tiền mặt), bánh phu thê, chè tươi và mứt sen trần, lợn sữa quay và xôi gấc,… và các lễ vật khác.
Lễ xin dâu
Theo phong tục cưới hỏi truyền thống nước ta, lễ xin dâu là một nghi thức nhỏ nhưng được cho là rất quan trọng trước khi tổ chức đám cưới diễn ra. Việc sắp xếp lễ xin dâu thể hiện được sự tôn trọng của chú rể và nhà trai đối với nhà gái. Theo quan niệm của ông cha ta thời xưa, lễ xin dâu được tổ chức như một cách nhà trai đến để xin phép nhà gái được đưa cô dâu về nhà làm con cháu trong gia đình. Bên cạnh đó, lễ xin dâu là cách để chú rể thể hiện sự tôn trọng, biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ cô dâu.

Lễ này được thực hiện rất đơn giản. Trước khi chính thức đến giờ đón dâu hoặc khi nhà trai đang trên đường đến đón dâu, nhà trai sẽ cử ra một đại diện mang cơi trầu đến trước. Khi mẹ cô dâu nhận cơi trầu và cúng bái tổ tiên cũng là lúc cô dâu được chấp nhận cho về nhà chồng.
Lễ cưới – lễ đón dâu
Sau khi cô dâu được chính thức về nhà chồng, chú rể sẽ mang hoa cưới cùng lễ vật đến để rước cô dâu về nhà mình. Theo phong tục cưới hỏi truyền thống, đây cũng chính là ngày cưới, ngày trọng đại và thiêng liêng của cuộc đời, bắt đầu một gia đình mới, một cuộc sống mới nhiều hi vọng.
Trích nguồn: Wikipedia

Vào ngày này, hai gia đình sẽ trao cho cô dâu mới của hồi môn như lời chúc phúc, hứa hẹn cho đôi vợ chồng trẻ một cuộc sống hạnh phúc, giàu sang, êm ấm.
Đãi tiệc quan khách
Theo phong tục cưới hỏi truyền thống từ xưa tới nay, ngày đãi tiệc quan khách cũng là một nghi thức quan trọng như một cách thông báo với quan viên hai họ về đám cưới. Gia đình cô dâu thường sẽ đãi tiệc trước khi nhà trai đến đón dâu. Sau khi cô dâu được đón về nhà chồng, nhà trai sẽ tổ chức tiệc để thông báo về tin vui và để cô dâu được ra mắt với họ hàng chú rể.
Xem thêm: Tổ chức đám cưới ở biển cần lưu ý điều gì?

Lễ lại mặt (lễ nhị hỷ)
Sau ngày cưới từ 1 đến 3 ngày, mẹ chú rể sẽ chuẩn bị một mâm lễ nhỏ để cô dâu và chú rể mang về nhà gái. Đây là một nghi lễ quan trọng và rất có ý nghĩa trong quá trình tổ chức đám cưới. Trong ngày này, cô dâu và chú rể sẽ có lời chào hỏi tới cha mẹ vợ, cũng như tri ân và gửi lời thành kính đến công lao của cha mẹ vợ.

Tổng kết
Đó là những nghi thức trong cưới hỏi truyền thống của người Việt Nam ta. Ngày nay, nhiều nghi thức được thực hiện gộp lại với nhau để phù hợp với khoảng cách địa lý, điều kiện và quỹ thời gian của cô dâu và chú rể. Ví dụ như lễ xin dâu thường được tổ chức gộp với lễ rước dâu, ngày đãi tiệc sẽ diễn ra ngay sau khi cô dâu được rước về nhà chồng.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu được ý nghĩa của các phong tục cưới hỏi truyền thống của nước ta! Calla Bridal chúc gia đình sẽ có một đám cưới thật ý nghĩa và hạnh phúc!